Cách đây 5 năm, được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng hiện nay Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa) luôn trong tình trạng thiếu học sinh trầm trọng.
Ông Hoàng Sỹ Xuân, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Mường Lát, tâm sự giọng buồn rầu: "Ngoài tình cảnh như vừa nêu, nhiều năm nay việc tuyển sinh học sinh, học viên vào trung tâm học tập gặp nhiều khó khăn".
Trung tâm không có học sinh, thầy cô buồn rầu
Dù đã sắp hết học kỳ I năm học 2018-2019, nhưng hiện nay tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát không có học sinh nào vào học bổ túc THPT hoặc học viên học nghề.
Theo ông Xuân, hiện nay toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học của trung tâm gồm nhà hiệu bộ, nhà học lý thuyết (2 tầng, 6 phòng), nhà thực hành (2 tầng, 4 phòng), ký túc xá 3 tầng, xưởng thực hành... với tổng vốn đầu tư hơn 37,5 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thuộc nghị quyết 30a của Chính phủ, được đưa vào sử dụng năm 2013 đang bỏ không, gây lãng phí.
Dù không có học sinh, học viên nhưng bộ máy hành chính của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát gồm 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn phải duy trì, với tổng quỹ lương và chi phí khác mỗi năm hàng tỉ đồng.
Nhiều giáo viên ở trung tâm buồn rầu chia sẻ: "Là giáo viên được đào tạo chính quy, có chuyên môn nhưng không được đứng lớp giảng dạy vì không có học sinh nên đội ngũ giáo viên dạy văn hóa của trung tâm không có điều kiện nâng cao năng lực, chuyên môn của mình".
Bên cạnh Mường Lát, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa cũng thiếu vắng học sinh. Khu phòng học, phòng dạy nghề, ký túc xá... của trung tâm được đầu tư hơn 36 tỉ đồng đóng cửa im ỉm.
Ông Lò Đức Liêm, giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa, cho biết: "Năm học 2017-2018, trung tâm có 7 học sinh nhưng học được hết học kỳ I thì bỏ hết. Năm học 2018-2019 này, trung tâm có 49 học sinh, chủ yếu là bí thư chi bộ, trưởng bản của các xã đến học bổ túc THPT do trước kia mới học hết lớp 9. Còn số học sinh học hết lớp 9 của 5 năm trở lại đây hầu hết vào học trường THPT của huyện hoặc bỏ học".
Trung tâm GDNN-GDTX huyện vùng cao Quan Sơn năm học 2018-2019 này cũng không tuyển sinh được học sinh nào học bổ túc THPT, không có lớp dạy nghề cho người dân địa phương.
Do người học không được hỗ trợ (!?)
Theo ông Hoàng Sỹ Xuân và ông Lò Đức Liêm, qua việc đi vận động học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học tại trung tâm GDNN-GDTX, các thầy cô giáo nhận thấy một trong những nguyên nhân học sinh không vào trung tâm để vừa học bổ túc THPT vừa học nghề vì các em không được hưởng trợ cấp của Nhà nước như học sinh trường THPT.
Cụ thể là từ năm 2013, theo quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo học tại các trường THPT trên địa bàn huyện được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung; hỗ trợ tiền nhà ở đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Trong khi đó, cũng là học sinh người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, khi học bổ túc THPT tại trung tâm GDNN-GDTX lại không được hưởng chế độ nêu trên.
Ông Phạm Bá Diệm, bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho biết: "Thực trạng trung tâm GDNN-GDTX của huyện thiếu vắng học sinh đến học diễn ra nhiều năm nay.
Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa tại huyện, cử tri địa phương đã phản ảnh, kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ học sinh học bổ túc THPT ở trung tâm GDNN-GDTX như đối với học sinh học tại trường THPT. Thực trạng này đã được huyện nhiều lần báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết.
Tuy nhiên, quyết định số 12/2013/QĐ-TTg vẫn chưa sửa đổi nên học sinh học bổ túc THPT tại trung tâm GDNN-GDTX ở vùng cao, đặc biệt khó khăn vẫn chưa được hưởng chế độ".