Lan tỏa niềm tự hào hàng Việt
Bằng nhiều hoạt động cụ thể, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng niềm tin vào hàng Việt Nam với người tiêu dùng trên địa bàn.
Thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đưa cuộc vận động lan tỏa rộng khắp và đi sâu vào đời sống, qua đó từ thành thị đến các xã vùng cao huyện A Lưới, Nam Đông đều biết đến nhiều hơn hàng Việt và ưu tiên lựa chọn sử dụng. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và sản xuất của tỉnh cũng tích cực tham gia cuộc vận động, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam làm Trưởng đoàn cũng vừa có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế về cuộc vận động.
Đoàn Kiểm tra đã đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trong việc triển khai, thực hiện cuộc vận động. Nhất là công tác tuyên truyền cuộc vận động đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, qua đó mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, Ban thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố Huế đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành lồng ghép cuộc vận động vào các nội dung CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tổ chức biên soạn, in ấn 3.000 cuốn tài liệu phát hành đến Ban công tác Mặt trận Khu dân cư, xây dựng 45 pano tuyên truyền cuộc vận động; cùng hàng trăm tin, bài phản ánh các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động tại các địa phương.
Đặc biệt, các cấp uỷ Đảng thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện cuộc vận động trong cơ quan, đơn vị và địa phương. Sở Công thương thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm nhiều rào cản gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường; xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường.
Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp được Ban Chỉ đạo tỉnh quan tâm và trở thành một nội dung trọng tâm của các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động.
Để cuộc vận động tiếp tục lan tỏa và hiệu quả, bà Nguyễn Thị Tuyết đề nghị, các cấp, ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung của cuộc vận động. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng dù được quan tâm nhưng chưa được triệt để, thiếu kịp thời. Cá biệt có một số doanh nghiệp còn lợi dụng chương trình khuyến mãi để tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng kém chất lượng nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động cũng như Mặt trận sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để cuộc vận động đạt kết quả cao hơn.
Đặc biệt sẽ phát huy vai trò giám sát trong nhân dân, thu thập thông tin phản hồi từ người tiêu dùng, tố giác hành vi làm giả, hàng kém chất lượng; thường xuyên phát hiện và giới thiệu các gương điển hình trong thực hiện cuộc vận động đồng thời phối hợp cùng các ban, ngành vận động các nhà sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
nguồn:Báo Mới